Ghi nhận thực tế tại Australia và Trung Quốc - hai “cường quốc” Macca hàng đầu hiện nay
Trong kế hoạch triển khai gói tín dụng lên tới 20.000 tỷ đồng cho phát triển Macca tại Việt Nam, một năm qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Công ty Cổ phần Him Lam đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát thực địa tại Việt Nam, Trung Quốc, Australia, nhằm tìm hiểu kỹ lưỡng về thực tế phát triển Macca và các xu hướng của thị trường Macca toàn cầu.
Trong ảnh là đoàn khảo sát của LienVietPostBank và Him Lam, do TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank dẫn đầu, tại một kho chứa của Công ty Pacific Gold Macadamia tại Bundaberg, Australia. Đây là doanh nghiệp sở hữu nhà máy chế biến Macca lớn nhất thế giới. Từ kho chứa này, nhân Macca thô được xuất đi toàn cầu.
Tại Australia, Macca thường được ép thành dầu ăn, sử dụng như một loại thực phẩm chức năng hữu ích, nhờ chứa nhiều dưỡng chất quý, tốt cho sức khoẻ, giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh cũng như giữ gìn vóc dáng.
Tinh dầu từ Macca cũng được các nhà sản xuất mỹ phẩm Australia tinh chế thành các dòng mỹ phẩm cao cấp. Đây là hình ảnh một số loại mỹ phẩm từ Macca, tại một trung tâm thương mại lớn dành riêng cho các sản phẩm Macca, nằm ở Knockrow, Australia. Giá các sản phẩm này khá đắt so với mặt bằng chung, nhưng sức tiêu thụ qua quan sát trực tiếp là không nhỏ.
Nhân Macca cũng trở thành nguyên liệu cho hàng trăm loại kẹo, bánh, thực phẩm, mang lại giá trị gia tăng lớn cho các nhà sản xuất.
Văn hóa tiêu dùng Macca tại Australia đã phát triển đến mức có hẳn suất ăn Macca dành cho những người muốn kiểm soát vóc dáng, trọng lượng cơ thể, tỷ lệ cholesterol, điều trị các bệnh tim mạch…
“Lâu đài Macca” (Macadamia Castle) là một điểm đến thú vị tại Australia, thu hút đông đảo du khách. Đây là nơi giới thiệu, trưng bày toàn bộ lịch sử cây Macca, giá trị của cây này, các sản phẩm từ Macca và góp phần định hình các giá trị của văn hoá tiêu dùng Macca.
“Trong suốt quá trình hoạt động, chúng tôi chưa bao giờ có đủ hàng để cung cấp ra thị trường, đặc biệt với các sản phẩm dầu ăn. Nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung nguyên liệu không tăng kịp”, người đứng đầu Macadamia Oil of Australia, một nhà máy chế biến dầu Macca lớn tại nước này, nói với TS. Nguyễn Đức Hưởng (áo đỏ).
Với nguồn ngân sách đối ứng của nhà nước (doanh nghiệp bỏ một đồng thì nhà nước bỏ một đồng), hàng năm Hiệp hội Macca Australia - nơi tập hợp các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Macca của nước này - dành tới 4 triệu đô la Úc (khoảng gần 70 tỷ đồng) cho công tác nghiên cứu, phát triển, tiếp thị Macca.
Một nghiên cứu của Hiệp hội nhận định, phải mất nhiều năm nữa cung Macca mới có thể theo kịp cầu hiện nay. Mặt khác, cầu Macca sẽ vẫn tiếp tục lớn mạnh bởi các hoạt động xúc tiến thương mại và tiếp thị.
Trong khi đó, tại quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc, thị trường Macca tại đây cũng đã có những bước đi nhanh chóng.
Trong ảnh là quầy hàng giới thiệu sản phẩm quả hạt, phần lớn là Macca, tại huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, cách không xa biên giới với Việt Nam - một trong những điểm đến trong lịch trình đoàn khảo sát của LienVietPostBank và Him Lam. Với nhu cầu nội địa ngày một lớn và dân số khổng lồ, thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ là động lực chính của ngành Macca toàn cầu.
Không khó tìm thấy sản phẩm từ Macca trên các quầy hàng, ngay ở các khu vực “tỉnh lẻ” tại Trung Quốc.
Hiện quốc gia đông dân nhất thế giới đang nhập một tỷ lệ lớn trong sản lượng hạt Macca thô toàn cầu về để chế biến phục vụ nhu cầu thị trường trong nước. Tại đây, giá Macca cũng đang thuộc diện cao nhất thế giới: một kg nhân thành phẩm loại ngon có thể được bán với giá lên tới gần 3 triệu đồng tiền Việt.
Nhiều lãnh đạo các nhà máy chế biến Macca tại Trung Quốc muốn nhập quả hạt Macca nguyên liệu từ Việt Nam để chế biến nhằm phục vụ nhu cầu thị trường nội địa Trung Quốc.
Bà Hoàng Vi Đồng (bên trái), chủ một nhà máy chế biến quả hạt khô tại huyện Long Châu, tỉnh Quảng Tây, nói nhu cầu nguyên liệu Macca của nhà máy này là rất lớn.
Số liệu từ Hiệp hội Macca Australia cho thấy trong năm 2014, châu Á tiêu thụ tới 40% sản lượng nhân Macca của nước này. Xếp sau lần lượt là thị trường nội địa Australia (35%), châu Âu (14%) và thị trường Mỹ (10%).
“Việt Nam chúng tôi đi sau nên có cơ hội để kế thừa những thành tựu, đồng thời tránh được những thất bại mà Australia và các nước đi trước đã từng trải qua”, TS. Nguyễn Đức Hưởng nói tại sự kiện LienVietPostBank được kết nạp vào Hiệp hội Macca Australia, ngày 24/6/2015.
Chiến lược trồng Macca được xem là phù hợp với Việt Nam hiện là xen canh Macca với cà phê và một số loại cây trồng khác.
Hiện nay, có tới 30% trong tổng diện tích cà phê của Việt Nam đang hết vòng đời kinh tế, cần tái canh hoặc thay thế bằng loại cây trồng khác. Riêng tại Tây Nguyên, diện tích cần tái canh này lên tới 200.000 ha, mở ra một cơ hội lớn cho Macca.
Các doanh nghiệp lớn cũng được kỳ vọng sẽ là đầu tàu kéo toàn ngành Macca Việt Nam bằng các hoạt động thúc đẩy cả chuỗi giá trị: phát triển nguồn giống, xây dựng vùng cây nguyên liệu, nhà máy chế biến, cung cấp dịch vụ tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, xây dựng hiệp hội cũng như mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Theo Vneconomy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét