Trong “cơn sốt” ca ngợi cây Macca về giá trị kinh tế, ít rủi ro, dễ trồng…, thậm chí năm ngoái có vị lãnh đạo đã nói rằng Macca sẽ giúp “giá trị GDP nông nghiệp tăng lên 100 tỉ đô la Mỹ thay vì 20 tỉ như hiện nay”, và kêu gọi “chính sách đất đai có giải pháp đột phá, phát huy 100% hiệu quả của khoa học, thay đổi cục diện của ngành nông nghiệp” để phát triển Macca.
Mặc dù vậy, với vai trò của người cầm trịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại vừa khẳng định, từ nay đến năm 2020, Macca chỉ nên hướng tới diện tích khoảng 10.000 héc ta.
Cho dù bức tranh Macca thế giới cho đến nay vẫn còn rất nhiều “bí ẩn”, nhưng cũng đã hé lộ không ít lý do có lẽ đủ tin cậy để cẩn trọng như vậy.
Thứ nhất, nếu như người Úc với trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến chắc cũng đã rất cẩn trọng trong việc lựa chọn những địa bàn có thổ nhưỡng và khí hậu thích hợp với cây Macca, thì chắc chắn chỉ có thời tiết đỏng đảnh là kẻ làm hại nông dân trồng loại cây này của họ.
Các số liệu thống kê của Hiệp hội Macca Úc trong gần ba thập kỷ qua cho thấy, sản lượng Macca của nước này biến động rất thất thường.
Đó là, trong những năm cuối của thế kỷ trước, sản lượng Macca năm sau so với năm trước chỉ giảm trong hai năm 1991 và 1995, nhưng từ năm 2000 trở lại đây thì có tới chín năm giảm, đặc biệt là trong đó có hai năm “rơi tự do” 18,8% (2005) và 19,7% (2011) và bốn năm khác có tỷ lệ giảm hai con số.
Không những vậy, nếu so với kỷ lục 43.900 tấn năm 2006, thì sản lượng năm 2014 của nước này vẫn còn thấp hơn, tức là thực chất đã có tám năm liên tục thoái trào.Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu “vòng xoáy trồng - chặt” cây Macca ở nước này có xảy ra như “cơm bữa” đối với không ít cây trồng như ở nước ta hay không?
Câu trả lời là cũng có thể, nhưng chắc chắn chỉ ở quy mô nhỏ, chứ không thể làm tăng và giảm “sốc” nhiều như vậy được, bởi đó là loại cây trồng có tuổi thọ ngang với con người, có thời gian chờ để được thu hoạch rất dài và chi phí đầu tư không hề nhỏ, cho nên không thể năm nay trồng, sang năm đã chặt, rồi năm sau lại trồng được.
Thứ hai, nếu có gì đó còn nghi ngờ thực trạng nói trên ở Úc, thì thực trạng sản xuất Macca ở Mỹ trồi sụt thất thường có thể chứng minh rất rõ điều đó.
Các số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy, diện tích Macca trong những năm cuối của thế kỷ trước tuy tăng, nhưng không tăng sốc, rồi ổn định trong khoảng 7.600-7.800 héc ta. Sau đó, diện tích này giảm xuống chỉ còn 7.200 héc ta vào năm 2000 và ổn định cho tới năm 2005. Tuy nhiên, diện tích Macca lại giảm mạnh lần thứ hai vào năm 2006 và ổn định ở mức 6.100 héc ta cho đến năm 2012 và năm 2013 mới tăng trở lại.
Do vậy, sự trồi sụt liên tục của sản lượng Macca trong từng giai đoạn này chỉ có thể là do tác nhân thời tiết.
Trong đó, nhìn trên số liệu thống kê, tiêu biểu nhất là mức giảm 7.700 tấn năm 2007, tương ứng với tỷ lệ “rơi” 29,3% do năng suất giảm 0,52 tấn/héc ta, tương ứng với tỷ lệ giảm kỷ lục 29,5%, và ngược lại, sản lượng năm 2008 lại tăng vọt 4.100 tấn và 22%.
Rõ ràng, những biến thiên ngược chiều nhau này trong cùng điều kiện diện tích không thay đổi ở mức gần 6.100 héc ta chỉ có thể là Macca được mùa, rồi lại mất mùa do sự thay đổi của thời tiết, chứ không thể là do thổ nhưỡng, hoặc do sự trái ngược nhau trong việc đầu tư chăm sóc của nông dân.
Không những vậy, điển hình hơn nữa lại là trường hợp diện tích giảm hơn 1.200 héc ta năm 2006, tương ứng với tỷ lệ giảm 16,7%, năm ghi dấu mốc diện tích giảm mạnh lần thứ hai, nhưng do năng suất tăng vọt 0,39 tấn/héc ta, tương ứng với tỷ lệ tăng kỷ lục 29%, cho nên sản lượng vẫn tăng mạnh 1.800 tấn, tương ứng với tỷ lệ tăng 7,4%.
Tất cả những điều nói trên có nghĩa là, Macca không phải là loại cây “miễn dịch” với những biến đổi của thời tiết, mà ngược lại, rất nhạy cảm. Trong đó, do Macca là loại cây chịu hạn rất tốt, cho nên thủ phạm còn lại chính là nhiệt độ diễn biến thất thường, không phù hợp.
Thực trạng đó cũng có nghĩa là, mặc dù các loại “cây tỉ đô” truyền thống của chúng ta cũng chịu tác động bởi khí hậu như cà phê, điều, tiêu, cao su, nhưng “cây tỉ đô” mà chúng ta kỳ vọng tuy chịu đất xấu, chịu rét, nhưng có lẽ còn chịu tác động của khí hậu nhiều hơn.
Thứ ba, chính từ những thực trạng đó, các số liệu thống kê của hai tổ chức nói trên cho thấy, hiệu quả kinh tế mà mỗi héc ta Macca của hai nước này thấp quá xa so với những gì được nói về Macca.
Cụ thể, theo công bố vừa mới đây của Hiệp hội Macca Úc, với 17.000 héc ta, nước này sản xuất được 40.000 tấn Macca thô (nut in shell) với giá 3,2 đô la Mỹ/ki lô gam, thì giá trị sản xuất của mỗi héc ta Macca chỉ đạt 7.530 đô la Mỹ/năm.
Trong khi đó, các số liệu thống kê mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đã công khai hàng năm còn thấp hơn rất nhiều. Đó là, nếu như giá trị sản xuất mỗi héc ta Macca năm 2011 đạt đỉnh cũng chỉ gần 6.400 đô la Mỹ, nhưng năm 2012 giảm rất mạnh xuống chỉ còn gần 5.800 đô la Mỹ và năm 2013 tiếp tục giảm xuống còn hơn 5.500 đô la Mỹ, còn nếu tính bình quân trong hơn ba thập kỷ qua thì chỉ đạt gần 5.300 đô la Mỹ/héc ta.
Tất cả những điều nói trên cho thấy tuy cây hồ tiêu là loại cây nổi tiếng rủi ro trong nhóm các cây công nghiệp truyền thống của nước ta, nhưng mức độ rủi ro của cây Macca ở hai quốc gia sản xuất hàng đầu thế giới còn cao hơn rất nhiều, còn hiệu quả kinh tế của nó cũng thấp không kém, cho dù họ đều có thị trường tiêu thụ có lẽ không thể thuận lợi hơn. Do vậy, mục tiêu doanh thu hàng tỉ đô la Mỹ từ Macca giúp xoay chuyển cục diện nền nông nghiệp nước ta có lẽ là quá xa vời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét