Theo GS. Nguyễn Lân Hùng, cây Macca sẽ giúp các hộ dân ở Tây Nguyên xóa đói giảm nghèo và hướng tới làm giàu được. |
Đó là năm 2006, thời điểm cây Macca chập chững thử nghiệm ở Việt Nam. Thậm chí cho đến nay, nhiều người vẫn còn chưa biết nó là cái cây gì.
“Người Chính phủ nói thì tin”
Năm ấy, cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn có lần vào thăm nông trường. Ông đưa cho vợ chồng anh Tú bộ tài liệu về cây Macca, bảo làm đi và nó sẽ tốt hơn nhiều so với đồi keo, luồng hiện có.
“Vợ chồng tôi quyết định làm theo lời bác Tạn. Làm trước có thể vinh quang, hoặc thất bại thôi. Nhưng người của Chính phủ nói thì mình tin”, anh Tú nhớ lại điểm xuất phát của mình.
Hai vợ chồng quyết định vay mượn, xoay được 30 triệu đồng vốn. Đó là cả một gia tài và áp lực gần chục năm trước, đối với một hộ dân nghèo sống dựa hoàn toàn vào vườn đồi.
Nhưng khó khăn hơn cả vẫn là quyết định chặt bỏ và chuyển đổi cây trồng, từ keo, luồng sang Macca. Quyết định đặt cược thực sự. Bởi thời điểm đó, duy nhất tại Thanh Hóa chưa có ai làm, càng không có mẫu hình để tham khảo. Cái khó nữa là lấy gì đảm bảo cây sống tốt và cho hạt.
Anh Tú khăn gói lên Ba Vì, vào Đắc Lắc tìm hiểu, học hỏi. Gặp những thực tế đã trồng được, anh vững tin hơn.
3-4 năm đầu chờ đợi cây lớn lên, phát triển, rồi ra hoa, bói quả có lẽ là quãng thời gian dài và thử thách nhất trong đời làm nông của anh Tú. Để rồi mùa thu hoạch đầu tiên, cả nhà vỡ òa trước thành quả khởi đầu: 5 tạ với 20 triệu đồng.
Với khởi đầu đó, chỉ hai mùa đã thu hồi được vốn. Ban đầu anh nông dân này cũng lạ, vì không hiểu sao khách tự tìm đến mua, rồi đặt hàng không cho bán ra ngoài, lượng thu hoạch không có mà bán cho khách mới.
Đến nay, vườn đồi anh Tú đã có 500 gốc Macca. Dự tính năm nay có thể thu hoạch được 3 tấn quả, sau khi đạt 1,7 tấn vụ vừa rồi; giá bán tại vườn có từ 70-80 nghìn đồng/kg quả. Lợi thế của loại cây này, càng về sau càng cho nhiều quả, vòng đời có thể tới 60 năm.
“Với triển vọng này, vài năm nữa là mình giàu”, anh Tú dự tính, cùng với hướng đi mới.
Sau khi trồng thành công, anh nông dân này tiến thêm một bước nữa: học và tự tạo giống. Đến nay anh đã có trong tay khoảng 3 vạn cây giống, truyền nghề ghép và chăm sốc cho 10 nhân công để cung cấp cho các hộ dân khác học theo mình. Nếu tính theo giá thị trường hiện nay, 3 vạn cây giống tương đương với hơn 2 tỷ đồng.
Khá nhạy, ngay khi thấy thành công của anh Tú, huyện Thạch Thành cử cán bộ xuống tìm hiểu, rồi kết luận: đây là loại cây vườn đồi hiệu quả hơn các loại phổ biến tại địa phương như keo, luồng, lát, cam…, mà lại ít sâu bệnh; chi phí đầu tư ban đầu khá cao, nhưng hiệu quả vượt trội.
“Trên địa bàn huyện, với cơ cấu hiện nay thì chưa có loại cây nào vượt qua được Macca. Nó cũng là cây đa chức năng, cây số 1 cho phát triển vườn đồi nhưng cũng là cây trồng rừng phù hợp”, ông Trịnh Văn Chất, Phó phòng Nông nghiệp huyện Thạch Thành nói.
Khảo sát xong, UBND huyện quyết định rất nhanh, lập hẳn một đề án và doanh nghiệp trực tiếp triển khai, tiếp cận các ngân hàng để hỗ trợ các hộ dân vay vốn ban đầu. Mục tiêu toàn huyện đến năm 2020 sẽ có khoảng 2.000 ha Macca.
Từ thực tế của Thạch Thành, Công ty Mía đường Lam Sơn cũng nhanh chóng thí điểm với kế hoạch tạo vùng 5.000 ha đầu tiên. Theo đề án trình UBND tỉnh Thanh Hóa cuối tháng 11/2014, công ty này dự tính có thể phát triển được tới 20.000 ha trong vòng 5 năm tới.
“Cây cho con cháu”
Có một sự trùng hợp. Nhiều năm trước, trong lần tình cờ gặp một người cháu của cố Phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn, gia đình ông Bùi Hữu Hòa (xã Tân Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) mới biết đến loại cây Macca.
“Qua nói chuyện thấy hay và đem về trồng thôi”, ông Hòa nói về điểm xuất phát của mình, đơn giản hơn nhiều so với quyết định đặt cược lớn của gia đình anh Tú ở Thanh Hóa.
Trái ngược với hình ảnh mớ giống nằm đầy hoài nghi trên sàn xe chở về nhà, cây Macca sau đó phát triển nhanh theo lợi thế khí hậu và thổ nhưỡng của Lâm Hà (Lâm Đồng).
Cho dù có giai đoạn ông Hòa không được thuận lợi như anh Tú.
Quả thu hoạch ban đầu ế ẩm, không biết bán cho ai. Hàng xóm nhìn ông đầy hoài nghi. “Họ nói tôi là gàn dở, tự dưng đưa cái cây ấy về trồng, rồi ế ẩm, chẳng biết để làm gì”, ông kể.
Lúc đó, điều an ủi với bác nông dân này là cây Macca trồng xen và che mát cho cây cà phê. Lợi ích thấy rõ, khi vào mùa khô, hàng cà phê có Macca phủ bóng phát triển tốt hơn.
Thế rồi qua các cuộc hội ngộ đồng hương, rủ rê bạn bè cùng trồng, ông Hòa phát hiện ra một điều: có thêm người trồng, cây Macca càng được biết đến và khách hàng tự tìm đến.
Hạt Macca đã bán được, rồi tiếp đến là không đủ để bán.
Khách hàng nhận ra loại hạt này không chỉ “ăn lạ miệng”, mà chủ yếu dùng làm bánh kẹo cao cấp, dầu ăn, mỹ phẩm và dược phẩm - nguyên liệu mà Việt Nam còn thiếu, thị trường thế giới cầu luôn vượt xa cung.
“Thời của tôi khởi đầu khó khăn. Bây giờ chuyển lại cho con. Đến nay là năm thứ 5, nó thu được hơn 300 triệu rồi. Mùa tới có thể thu trên 400 triệu. Ngày bé, mình nuôi con, ngóng nó lớn từng ngày, rồi nó đi học, mình dõi theo từng chữ, giờ nó làm ăn với Macca thì cũng dòm sổ sách nó, thấy làm được”, ông Hòa nói và xem vườn Macca là tài sản mình để lại cho con cháu.
Tại hội thảo chuyên đề cuối tuần qua tại Đà Lạt, đại diện Công ty Him Lam (đầu mối triển khai đề án phát triển cây Macca tại Tây Nguyên) cũng nói rằng, đây là loại cây cho con cháu về sau, vì vòng đời khai thác dài tới 60 năm.
Cũng tại hội thảo, GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Các hội sinh học Việt Nam, cho rằng, có lẽ đã đến lúc chấm dứt tranh cãi xung quanh việc có trồng được cây Macca tại Việt Nam hay không.
“Chúng ta không làm thì có lỗi với bà con”, GS. Nguyễn Lân Hùng nói.
Và khi nhìn về bàn chủ tọa tại hội thảo trên, ông khẳng định với Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên: “Đại tướng cứ cho tôi mỗi người dân Tây Nguyên 50 cây Macca, tôi đảm bảo là họ sẽ xóa đói giảm nghèo để hướng tới làm giàu được”.
Theo Vneconomy
0 nhận xét:
Đăng nhận xét